Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Phim Dốc Sinh Tồn - Tập 30/31/32/33/34/35/36/37/38/39/40

 
Sau Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Miền đất phúc, Giọt đắng, Hoa vàng nơi ấy…đạo diễn Đinh Đức Liêm tiếp tục ghi thêm dấn ấn về cuộc sống mưu sinh của những người lao động, xuất phát từ hai bàn tay trắng nhờ nghị lực, quyết tâm mà dần trở nên giàu có, thành đạt trong Dốc sinh tồn.
18 năm trước. Ở một vùng quê nghèo Gò Công (Tiền Giang), Thuý- một cô gái mới lớn xinh đẹp đã có một mối quan hệ với Khánh- một người đàn ông đã có gia đình. Hậu quả của mối quan hệ lén lút ấy là cái thai tượng hình trong Thúy. Cùng lúc này, Hạnh- vợ Khánh phát hiện và tìm cách giành lại chồng một cách khéo léo. Hạnh đã âm thầm tìm gặp chị ruột của Thúy là Sa- một người đàn bà bốc đồng, nóng tính, đặc biệt là rất hám tiền. Nhẹ nhàng, tinh tế, Hạnh đưa một số tiền lớn cho Sa, để chị buộc em gái cắt đứt mối quan hệ với Khánh và hủy bỏ giọt máu vô thừa nhận kia. Dù vợ chồng chị gái ép buộc, song Thuý vẫn quyết tâm giữ lại giọt máu của mình. Khi sinh con gái, Thuý bị băng huyết qua đời. Vừa đau đớn cho cái chết của em gái mình, vừa căm hận tên đàn ông phụ bạc, bà Sa đã đặt tên cháu mình là Khánh.
18 năm sau. Khánh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, phải nghỉ học năm lớp 10, đi làm ở lò mổ gia súc để phụ giúp dì dượng. Bà Sa thường xuyên cờ bạc, nên nợ nần chồng chất, còn ông Thia – chồng bà thì say xỉn tối ngày. Đỉnh điểm nỗi đau khổ của Khánh là vợ chồng bà Sa gả bán cô cho Minh- một thanh niên ăn chơi, ỷ lại gia đình giàu có, từng tìm cách cưỡng đoạt Khánh- để có tiền trả nợ. Không chấp nhận, Khánh phải trốn nhà ra đi, tìm lên thành phố, mặc dù chưa biết mình sẽ làm gì và sống như thế nào ở nơi xa lạ ấy.
Lên thành phố, tìm đến xóm trọ của bà Năm, Khánh may mắn có được sự giúp đỡ của Thơm- cô công nhân hiền lành tốt bụng và Nụ - cô “Thị Nở” khó chịu và hay mặc cảm, tủi thân. Được Thơm cho ở nhờ, Khánh lao vào tìm việc mà không lường hết tất cả sự gian truân cũng như những cạm bẫy đang chờ. Bị dụ dỗ làm gái bán bia ôm, rồi bị gạt mất hết tiền, lại thêm việc thiếu nợ của Tèo què và bọn cho vay nặng lãi, Khánh bức bí phải uống thuốc ngủ tự vẫn. Sau khi được Kha- anh công nhân ở cùng xóm trọ và hai cô bạn cùng phòng cứu giúp mà Khánh nhanh chóng hồi phục. Nhưng sự éo le của số phận vẫn không buông tha Khánh, khi cô xin vào làm công nhân ở một xưởng ván ép, tay tổ trưởng ở đó đã giở thủ đoạn hòng chiếm đoạt cô. Khánh đành bị mất việc chứ không chịu nhục. Sau đó, Khánh cũng tìm được việc làm ở một công ty sản xuất mì gói. Ở đây, sự chăm chỉ, tận tuỵ với công việc của Khánh, cộng với sự giúp đỡ Thuấn- quản đốc phân xưởng…mà dần dần cuộc sống của cô đã ổn định.
Sau đó một thời gian, bà Sa lặn lội lên thành phố để tìm Khánh, rồi vô tình phát hiện ra: Giám đốc công ty nơi Khánh làm việc chính là ông Khánh ngày trước. Để có tiền trả nợ, bà Sa nghe lời ông Thia bày kế đem chuyện đứa con bị bỏ rơi năm xưa để tống tiền ông Khánh. Về phần ông Khánh, từ lúc rời quê lên Sài Gòn, với tài sản của cha vợ để lại, vợ chồng ông kinh doanh rất phát đạt, nhưng hiềm nỗi: bà Hạnh lại bị hiếm muộn, nên chữa chạy mãi vẫn không có con. Bà Sa đã cho Khánh biết sự thật về cha ruột của mình, và khuyên cô nhận cha.... Khánh nuốt nước mắt vào lòng, cô đợi chờ thời gian sẽ trả lời tất cả. Rồi cô gái ấy có nhận cha hay không?. Và cuộc sống của Khánh sẽ thay đổi ra sao sau bước ngoặt này…
Đan xen với những tình huống đầy éo le, trắc trở trong cuộc sống, tình cảm của Khánh nơi phố thị, chuyện phim còn xoay quanh số phận cũng không kém phần phức tạp của các công nhân trẻ khác như: Nụ, Thơm, Thuấn, Kha …hay các cô gái như: Hiền, Yến và Nhi- trong cùng xóm trọ bà Năm. Có người gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại…với gánh nặng mưu sinh; có người vướng phải cạm bẫy, lỡ lầm và phải trả giá cho những đánh đổi của mình…Xóm trọ như một xã hội thu nhỏ với những bi kịch của đời người. Nước mắt và nụ cười, nỗi đau và niềm hạnh phúc vẫn nhẹ nhàng hiện hữu bên cạnh một con dốc lớn đang chờ: Đấy chính là con dốc của cuộc chiến sinh tồn. Liệu những số phận mỏng manh có vượt qua con dốc ấy hay không?
Đạo diễn Đinh Đức Liêm bật mí: “Phim thuộc thể loại tâm lý xã hội, tình cảm, pha chút hài hước…Có những điểm nhấn, mạch truyện được đẩy lên cao trào, thể hiện một cách chân thật nhất những tình cảm, suy nghĩ, đôi khi là hành động thiếu nghĩ suy của những cô gái trẻ xa quê, đồng thời đề cao tính nhân văn và tình người “đồng cảm”. Chuyện phim không chỉ là hành trình của cuộc chiến sinh tồn mà còn là hành trình đi tìm hạnh phúc, tìm đến tình yêu của những chàng trai, cô gái trẻ - đó cũng là chủ để chính của bộ phim”